Luật sư Y hẹn gặp bà A với mục đích đặt điều kiện nếu bào chữa cho con bà được hưởng án treo thì bà sẽ thưởng cho luật sư bao nhiêu? Bà A mừng và hứa sẽ thưởng cho luật sư 50 triệu đồng.
Bài tập tình huống:
Bà A đến Văn phòng luật
sư X yêu cầu Văn phòng cử luật sư bào chữa cho con trai bà là bị cáo B trong vụ
án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau khi nghe bà A trình bày, Trưởng
văn phòng đồng ý tiếp nhận vụ việc và đề xuất mức thù lao luật sư trọn gói là
30 triệu đồng. Trong Điều 1 của Hợp đồng dịch vụ pháp lý, Văn phòng cử Luật sư
Y đảm nhận vụ việc và được bà A đồng ý.
Luật sư Y làm thủ tục,
đọc hồ sơ, vào trại tạm giam gặp bị cáo. Sau khi nghiên cứu, hệ thống hồ sơ, thấy
hành vi phạm tội của bị cáo chỉ là đồng phạm giúp sức với mức độ hạn chế, có
nhiều tình tiết để khai thác, sử dụng, có thể đề nghị mức án dưới 3 năm. Tình cờ,
trong một lần gặp người bạn làm ở Tòa án, được biết thông tin nghiệp vụ rằng bị
cáo B sẽ được hưởng án treo, Luật sư Y hẹn gặp bà A với mục đích đặt điều kiện
nếu bào chữa cho con bà được hưởng án treo thì bà sẽ thưởng cho luật sư bao
nhiêu? Bà A mừng và hứa sẽ thưởng cho luật sư 50 triệu đồng. Luật sư Y yêu cầu
bà A làm một Giấy cam kết hứa thưởng và bà A đã làm ngay theo yêu cầu của Luật
sư Y.
Luật sư Y về báo với
luật sư Trưởng văn phòng nội dung giao dịch nói trên với bà A. Luật sư Trưởng
văn phòng xem Giấy cam kết, thấy đúng như lời trình bày của Luật sư Y nên đồng
ý và khuyên Luật sư Y cẩn thận, vì trong nội dung thỏa thuận miệng có yếu tố
“cam kết bảo đảm kết quả”. Kết quả phiên tòa sơ thẩm, bị cáo B được tuyên mức
án 2 năm tù và cho hưởng án treo. Bà A vui mừng và trao số tiền thưởng 50
triệu đồng theo cam kết cho Luật sư Y. Luật sư Y đưa cho luật sư Trưởng văn
phòng 15 triệu đồng. Luật sư Trưởng Văn phòng không nhận số tiền đó.
Bà A vì vui mừng với
kết quả án treo của con nên bà A khoe với mọi người về việc thưởng cho luật sư
số tiền 50 triệu. Khoảng hơn một tháng sau, Văn phòng luật sư X nhận được một
thư nặc danh tố cáo sự việc trên của Luật sư Y đến Đoàn Luật sư tỉnh N.
Câu hỏi:
1.
Việc Luật sư Y
đưa điều kiện bào chữa cho bị cáo B được hưởng án treo để đặt vấn đề tiền thưởng
với bà A có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam
không? Nếu có thì vi phạm Quy tắc nào?
2.
Luật sư Trưởng
văn phòng cho rằng sự thỏa thuận giữa Luật sư Y và bà A về điều kiện thưởng có
yếu tố “cam kết bảo đảm kết quả có đúng không?
Giải đáp:
Câu 1:
-
Luật sư Y có vi phạm Quy tắc đạo
đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
-
Luật sư Y vi phạm các quy tắc sau
đây:
+
Vi phạm Quy tắc 2 Độc lập,
trung thực, tôn trọng sự thật khách quan “Luật sư phải
độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất,
tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề
nghiệp”.
+
Vi phạm Quy tắc 9.5 “Sử dụng thông
tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích không chính
đáng”.
+
Vi phạm Quy tắc 9.8 “Hứa hẹn, cam kết bảo đảm
kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của
luật sư”.
Câu 2:
Luật sư
Trưởng văn phòng cho rằng sự thỏa thuận giữa Luật sư Y và bà A về điều kiện thưởng
có yếu tố “cam kết bảo đảm kết quả” là đúng. Căn cứ Quy tắc 9.8 “Hứa hẹn,
cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện
thực hiện của luật sư” về nội
dung này.