Trong khi Ban giám đốc Công ty A đang xem xét về thái độ làm việc của anh V thì anh V đã có hành vi xông vào đánh Quản đốc người Đài Loan nhưng đã được anh em công nhân ngăn cản kịp thời nên hậu quả nghiêm trọng không xảy ra.


Bài tập tình huống: 

Trong Đơn khởi kiện ngày 20/7/2016 và các lời khai tại Tòa án, anh Tr V trình bày: Anh làm việc tại Công ty A (có trụ sở tại Quận G, TP. H) từ ngày 01/02/2012. Sau thời gian thử việc, ngày 01/3/2012 anh được Công ty A ký hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng, công việc là công nhân lắp ráp. Trong quá trình làm việc, anh luôn cố gắng hoàn thành việc được giao, không hề vi phạm kỷ luật lao động. Tuy nhiên, ngày 24/11/2015 Tổng giám đốc cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty A căn cứ Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012, ra Quyết định số 70/QĐ sa thải anh V với lý do: “Anh V đã nhiều lần vi phạm nội quy Công ty, đi trễ giờ làm việc, có thái độ chống đối, gây sự với cấp trên, đã nhắc nhở nhiều lần vẫn không khắc phục, sửa chữa”; Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 30/11/2015. Anh V nhận được quyết định ngày 29/11/2015 và không đồng ý với việc xử lý kỷ luật theo Quyết định số 70/QĐ ngày 24/11/2015 của Công ty A vì theo anh việc xử lý kỷ luật này là trái pháp luật. Trong thời gian làm việc, anh V có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

            Anh V khởi kiện yêu cầu (i) Tòa án hủy Quyết định số 70/QĐ ngày 24/11/2015 của Cty A và buộc Cty A phải nhận anh V trở lại làm việc; (ii) Cty A phải bồi thường cho anh V tiền lương trong thời gian anh V bị nghỉ việc trái pháp luật (từ ngày 1/12/2015 đến ngày Tòa án xét xử) và 04 tháng lương theo mức lương 8 triệu đồng/tháng; Cty A phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian từ ngày 1/12/2015 đến ngày Tòa án xét xử; (iii) Cty A phải trả cho anh V tiền lương tháng 9,10,11/2015 mà Cty chưa thanh toán cho anh theo mức lương 8 triệu đồng/tháng. Tòa án thụ lý vụ án vào ngày 21/7/2016.

            Về phía bị đơn, Cty A trình bày: trong quá trình làm việc, anh V liên tục có hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Cụ thể: Tháng 8/2015, anh V đi làm trễ 04 lần; tháng 9/2015, anh V đi làm trễ 04 lần; tháng 10/2015, anh V đi làm trễ 03 lần. Ngày 14/10/2015, anh V nghỉ việc không xin phép Công ty, gây cản trở cho hoạt động của dây chuyền sản xuất vì anh V đảm nhiệm một vị trí trong dây chuyền đó. Vào ngày 22/11/2015, trong khi Ban giám đốc Công ty A đang xem xét về thái độ làm việc của anh V thì anh V đã có hành vi xông vào đánh Quản đốc người Đài Loan nhưng đã được anh em công nhân ngăn cản kịp thời nên hậu quả nghiêm trọng không xảy ra. Tuy nhiên, hành vi của anh đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của Cty. Cty đã mời anh V tham dự cuộc họp xét kỷ luật tổ chức vào ngày 23/11/2015 nhưng anh không dự họp. Hội đồng kỷ luật đã tiến hành họp theo đúng quy định của pháp luật vào ngày 23/11/2015 và Tổng giám đốc đã ra quyết định sa thải đối với anh V.

Cty A không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của anh V và cung cấp cho Tòa án các tài liệu:

(1)  Nội quy lao động của Cty A (đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chuẩn y việc đăng ký vào ngày 2/6/2013), trong đó Điều 55 quy định: Người lao động bị kỷ luật sa thải khi: (i) có các hành vi vi phạm quy định tại Điều 126 Bộ luật lao động năm 2012; (ii) người lao động tổ chức, lãnh đạo, viết truyền đơn huy động người khác tham gia đình công;

(2)  Bảng báo cáo tình hình công nhân đi trễ không phép của Phòng sơn vào tháng 8,9,10/2015

(3)  Biên bản lập ngày 22/11/2015 về việc anh V có hành vi đánh chủ quản người Đài Loan;

(4)  Biên bản họp kỷ luật đối với anh V ngày 23/11/2015 với thành phần tham gia gồm Tổng giám đốc, Trưởng phòng nhân sự, đại diện Ban chấp hành công đoàn Cty A, trong đó ghi ý kiến của Đại diện Ban chấp hành công đoàn “đề nghị Cty chỉ nên áp dụng hình thức kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương đối với anh V”.

1.   Anh/Chị hãy:

a)     Xác định thẩm quyền giải quyết vụ án và tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án?

b)     Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, thời hiệu khởi kiện? Căn cứ pháp lý?

2. Nếu là luật sư của anh V, Anh/Chị có nhận xét gì về trách nhiệm của người đại diện Ban chấp hành công đoàn Cty A trong việc xử lý kỷ luật anh V?

3. Nếu là luật sư của anh V, Anh/Chị hãy trình bày nội dung chính trong luận cứ bảo vệ quyền lợi cho anh V tại phiên tòa sơ thẩm?

 

ĐÁP ÁN:

 

CÂU 1: (Phần chung): 5,0 điểm

1.      Nội dung cần trả lời                                                                               1.5đ

-     Thẩm quyền giải quyết vụ án: TAND Quận 1, Tp. H

 (Căn cứ đ.a, k.1, đ.32; đ.a, k.1 đ.35 và đ.a, k.1, đ.39 BLTTDS 2015)  0.25đ

-     Tư cách người tham gia tố tụng:

+ Nguyên đơn: Anh V; (k.2, đ.68 BLTTDS 2015)                                0.25đ

+ Bị đơn: Cty A; (k3, đ.68 BLTTDS 2015)                                             0.25đ

+ Người làm chứng: Đại diện BCH Công đoàn Cty A (Người đã tham gia phiên họp xử lý kỷ luật anh V – để hỏi làm rõ thêm về phiên họp xử lý kỷ luật vào ngày 23/11/2015) (đ.77 BLTTDS 2015)                                                         0.25đ                                                                      

(Lưu ý: Nếu thí sinh làm bài xác định đại diện BCH Công đoàn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì không được điểm, vì BCH Công đoàn có trách nhiệm tham gia trong việc xử lý kỷ luật anh V, nhưng không có quyền lợi hay nghĩa vụ phát sinh từ vụ tranh chấp này)

-     Loại tranh chấp lao động: Tranh chấp lao động cá nhân về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải  

(điểm a, khoản 1 điều 201 BLLĐ)                                                           0.25đ

-     Thời hiệu: 01 năm kể từ ngày phát hiện hành vi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại (ngày 29/11/2015)

(khoản 2 điều 202 BLLĐ)                                                                      0.25đ

(Lưu ý : so sánh với quy định của BLLĐ 2019)

2.         Nhận xét trách nhiệm của đại diện BCH CĐ cty A khi xử lý kỷ luật anh V                                                                                                         

-   Ý kiến của đại diện BCH Công đoàn là một trong các căn cứ để xét kỷ luật lao động. Khi Cty không xem xét đến ý kiến đó (BCH Công đoàn đề nghị hình thức kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương) mà BCH công đoàn không báo cáo BCH Công đoàn cấp trên là không thực hiện đúng trách nhiệm của mình. (k.7, đ.10 Luật Công đoàn)     0.5đ                                                                                                 

-      Theo quy định tại Khoản 1, Điều 123 BLLĐ năm 2012 và Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 thì cuộc họp xét kỷ luật lao động phải có mặt người lao động. Người sử dụng lao động chỉ được quyền xử lý kỷ luật vắng mặt khi đã 03 lần thông báo bằng văn bản mà người lao động không đến.               0.25đ                         

-      Trong khi anh V mới chỉ vắng mặt lần đầu mà Cty vẫn tổ chức phiên họp xử lý kỷ luật vắng mặt anh V, đại diện BCH Công đoàn có mặt tại phiên họp không có ý kiến gì phản đối là không thực hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình.                0.25đ                                                                                              

(Lưu ý : so sánh với quy định của BLLĐ 2019 và NĐ 145/2020 hướng dẫn thực hiện)

3: Nội dung chính của luận cứ bảo vệ anh V tại phiên sơ thẩm                      2.5đ

-      QHLĐ: Đến thời điểm anh V bị kỷ luật sa thải giữa anh V và cty A tồn tại hợp đồng lao động không xác định thời hạn                                                                  0.25đ

-      Bởi vì sau khi HĐLĐ ký ngày 1/3/2012 hết hạn vào 1/3/2013, anh V vẫn làm việc tại cty A và hai bên không ký HĐLĐ mới. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 22, BLLĐ 2012 thì HĐLĐ đã giao kết trên trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn           0.25đ                     

-      QĐ kỷ luật sa thải anh V là trái pháp luật.                                                      0.25đ

-      Vì Cty A đã vi phạm quy định của pháp luật lao động về thủ tục xử lý kỷ luật sa thải.                                                                                                                      0.25đ

Cụ thể: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 123 BLLĐ năm 2012 và Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐCP thì cuộc họp xét kỷ luật phải có mặt người lao động.

-      Người sử dụng lao động chỉ được quyền xử lý kỷ luật vắng mặt khi đã 03 lần thông báo bằng văn bản mà người lao động không đến, trong khi anh V mới chỉ vắng mặt lần đầu.                                                                                                         0.25đ 

-      Do quyết định xử lý kỷ luật là trái pháp luật nên đề nghị Tòa án áp dụng Điều 42 BLLĐ:                                                                                                          0.25đ  

+ Buộc Cty A phải nhận anh V trở lại làm việc; nếu không muốn nhận anh V làm việc lại thì phải bồi thường 02 tháng tiền lương                                          0.25đ

+ Bồi thường cho anh V tiền lương trong thời gian bị nghỉ việc trái pháp luật (từ ngày 1/12/2015 đến ngày Tòa án xét xử) và 04 tháng lương theo mức lương 8 triệu đồng/tháng (quy định của pháp luật ít nhất 02 tháng)                                 0.25đ

+ Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho anh V trong thời gian từ ngày 01/12/2015 đến ngày Tòa án xét xử;                                                           0.25đ                                            

+ Cty A còn nợ 03 tháng lương (tháng 9,10,11) của anh V. Do đó, Cty phải có trách nhiệm trả cho anh V 03 tháng lương theo mức lương 8 triệu đồng/tháng.  0.25đ

 

.
Trọn bộ 15 Bài tập Kỹ năng Luật sư trong vụ án dân sự:
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 01
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 02
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 03
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 04
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 05
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 06
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 07
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 08
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 09
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 10
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 11
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 12
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 13
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 14
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 15