Hai bên phát sinh tranh chấp, sau quá trình hòa giải không thành, tháng 12/2018 Công ty T đã khởi kiện Công ty M ra Tòa án vì cho rằng Công ty M không giao hàng và tự hủy ngang hợp đồng, đó là hành vi vi phạm, phải bị phạt 05% giá trị hợp đồng như đã cam kết.
Bài tập tình huống:
Ngày 15/8/2017, Công ty T (Singapore)
có văn phòng đại diện tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh ký Hợp đồng số 01/HĐMB mua 200
tấn bắp của Công ty M (Việt Nam) có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội với
đơn giá 640USD/tấn, giá trị hợp đồng là 128.000USD, thanh toán bằng L/C không hủy
ngang, bên nào vi phạm phải chịu phạt 05% giá trị hợp đồng. Hợp đồng quy định
áp dụng pháp luật Việt Nam, nhưng không thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh
chấp.
Sau khi ký hợp đồng, Công ty T mở L/C
thông qua Công ty E (là người mua lại số hàng này của Công ty T) nhưng qua 02 lần
tu chỉnh L/C vẫn không phù hợp (thực hiện vận tải hàng hóa theo đường biển
nhưng L/C lại thể hiện vận đơn hàng không). Vì vậy Ngân hàng Vietcombank đã xác
định L/C này bất hợp lệ. Đến thời hạn giao hàng, Công ty M không giao hàng vì
chưa có tu chỉnh L/C theo đúng thỏa thuận. Ngày 02/10/2018, Công ty M tuyên bố
hủy hợp đồng.
Hai bên phát sinh tranh chấp, sau quá
trình hòa giải không thành, tháng 12/2018 Công ty T đã khởi kiện Công ty M ra
Tòa án vì cho rằng Công ty M không giao hàng và tự hủy ngang hợp đồng, đó là
hành vi vi phạm, phải bị phạt 05% giá trị hợp đồng như đã cam kết.
1. Anh/Chị hãy
xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp? Nêu căn cứ pháp lý?
2. Nếu là luật
sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Công ty M, Anh/Chị yêu cầu khách hàng cung cấp
những tài liệu gì?
3. Anh/Chị xác
định bên nào vi phạm hợp đồng? Hãy nêu căn cứ pháp lý và lập luận để làm sáng tỏ
vấn đề.
Giả thiết trong Hợp đồng số 01/HĐMB nếu trên hai
bên có lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là “Trung tâm trọng tài quốc tế tại
Hà Nội”. Khi tranh chấp xảy ra, sau khi hòa giải không thành, do không xác định
rõ được đó là Trung tâm trọng tài nào nên Công ty T đã làm đơn khởi kiện Công
ty M ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Sau đó, Công ty M cũng khởi kiện Công
ty T tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam.
4.Anh/ Chị hãy
phân tích và bình luận về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với vụ án này?
ĐÁP ÁN:
1.Anh/Chị hãy
xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp? Nêu căn cứ pháp
lý?
(1.0 điểm)
- Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, TP
Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này. 0,25
- Căn cứ pháp lý:
+ Điểm a Khoản 1 Điều 30 (thẩm quyền theo vụ việc); khoản 1 và 3 Điều 35
BLTTDS năm 2015 (thẩm quyền theo cấp tòa); Điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm
2015 (thẩm quyền theo lãnh thổ) 0,50
+ Điểm đ khoản 1 Điều 7 NQ số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng
Thẩm phán TAND Tối cao quy định các trường hợp có yếu tố nước ngoài. 0,25
(Phần giải thích của người ra đề -
không tính điểm): Nguyên đơn - Công ty T
là công ty của nước ngoài nhưng có văn phòng đại diện tại Việt Nam nên không
thuộc trường hợp “đương sự ở nước ngoài”, do đó việc tranh chấp thuộc thẩm quyền
giải quyết của Tòa án cấp quận, huyện. Bị đơn - Công ty M có trụ sở tại quận
Hai Bà Trưng nên Tòa án quận Hai Bà Trưng có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp
này.
2. Nếu là luật
sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Công ty M, Anh/Chị yêu cầu khách hàng cung cấp
những tài liệu gì?
(1.0 điểm)
Mỗi ý 0.25 đ
+ Tài liệu về địa vị pháp lý của chủ thể.
+ Hợp đồng mua bán hàng hóa đã ký giữa
hai bên.
+ Bộ chứng từ mở L/C của người mua hàng
(có thể trực tiếp mở L/C hoặc chỉ định chủ thể khác thay mặt mình mở L/C).
+ Các văn bản tài liệu hoặc thông tin
trao đổi giữa hai bên (qua email, qua fax…) từ thời điểm hợp đồng được ký kết đến
thời điểm gặp luật sư.
3. Anh/Chị xác
định bên nào vi phạm hợp đồng? Hãy nêu căn cứ pháp lý và lập luận để làm sáng tỏ
vấn đề?
(1.5 điểm)
+ Xác định Công ty T vi phạm hợp đồng. 0.25
+ Sau khi hợp đồng được ký kết, nghĩa vụ
đầu tiên thuộc về người mua hàng, đó là việc phải mở L/C phù hợp với hợp đồng
(thời hạn mở L/C, nội dung L/C). 0.25
+ Chứng minh L/C của Công ty T mở không
phù hợp với hợp đồng: Hợp đồng mua bán hàng hóa theo phương thức vận tải biển
nhưng trong L/C lại thể hiện là vận đơn hàng không. 0.25
+ Khi người mua chưa thực hiện đúng và
đầy đủ nghĩa vụ mở L/C như đã cam kết trong hợp đồng thì người bán chưa phát
sinh nghĩa vụ giao hàng. 0.25
+ Việc Công ty M không giao hàng không
bị coi là hành vi vi phạm hợp đồng vì chưa xuất hiện nghĩa vụ giao hàng. Vấn đề
mở L/C sai biệt hợp đồng như trên, nếu Công ty M giao đủ hàng cho Công ty T thì
cũng không thể lấy được tiền vì Ngân hàng sẽ từ chối thanh toán khi L/C sai biệt
với hợp đồng. 0.25
+Căn cứ pháp
lý: khoản 1 Điều
34; khoản 1,2 Điều 50 Luật thương mại 2005.
0.25
“Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận
trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy
định khác trong hợp đồng”. (khoản 1 Điều 34 LTM)
“Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và
nhận hàng theo thỏa thuận.
Bên mua phải
tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự,
thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật” (khoản 1,2 Điều 50 LTM)
4. Anh/Chị hãy
phân tích và bình luận về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với vụ án này?
(1,5 điểm)
+ Trong hợp đồng số 01/HĐMB hai bên đã
có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối
thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài
không thể thực hiện được. Như vậy, việc Công ty T làm đơn khởi kiện Công ty M tại
TAND thành phố Hà Nội là không phù hợp và trong trường hợp này Tòa án phải từ
chối thụ lý. 0,25đ
+ Căn cứ pháp lý:
- Điều 6, Điều 18 Luật Trọng tài thương
mại năm 2010. 0,25đ
“Trong trường hợp
các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án
thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc
thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được” (đ.6 LTTTM).
Các trường hợp
Thoả thuận trọng tài vô hiệu 0,25đ
1. Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không
thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.
2. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm
quyền theo quy định của pháp luật.
3. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng
lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
4. Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp
với quy định tại Điều 16 của Luật này.
5. Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép
trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận
trọng tài đó là vô hiệu.
6. Thỏa thuận
trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
(đ.18 LTTTM)
- Điều 3, Điều 4 Nghị quyết số
01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao
hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại. 0,25đ
Đ.3 NQ 01/2014
giải thích các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu
Đ.4 NQ 01/2014 giải
thích các trượng hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được:
1. Các bên
đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng
Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa
thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.
2. Các bên
đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc,
nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại
khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc
Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa
thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để
thay thế.
3. Các bên
đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc,
nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ
định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên
không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.
4. Các bên
có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa
thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng
trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng
tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc
tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc
lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.
5. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu
dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện
chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật TTTM nhưng
khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải
quyết tranh chấp.
+ Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình
thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể thì khi có
tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng
tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. 0,25đ
+ Nếu Công ty M và Công ty T không thỏa thuận lại được về tổ chức trọng
tài cụ thể để giải quyết tranh chấp thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng
tài sẽ thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn. Vì vậy, Công ty M sau đó đã khởi
kiện Công ty T tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại
và Công nghiệp Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật. 0,25 đ
Căn cứ pháp lý: khoản 5 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
“ Trường hợp các
bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc
không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các
bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để
giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ
chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên
đơn (k.5 đ.43 LTTTM)”
Trọn bộ 15 Bài tập Kỹ năng Luật sư trong vụ án dân sự:
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 01
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 02
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 03
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 04
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 05
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 06
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 07
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 08
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 09
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 10
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 11
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 12
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 13
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 14
- Bài tập Kỹ năng của Luật sư trong vụ án dân sự số 15